Ngày 12/02/2018 Hội Đồng Trị Sự GHPGVN ban hành công văn 31 (trước tết Mậu Tuất), nội dung của công văn nhấn mạnh 3 điều:

Điều 1: Kêu gọi lãnh đạo Phật giáo trên toàn quốc, và trụ trì trên 18 ngàn ngôi chùa phát huy văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Phật giáo nói riêng nên tổ chức lễ hội văn hóa đạt được những giá trị cao…
Điều 2: Kêu gọi các chùa trên toàn quốc cũng như Tăng Ni cần hướng dẫn Phật tử và người đến chùa không nên đốt giấy tiền vàng mã trong không gian chùa, vì điều này đi ngược lại với lời đức Phật đã dạy trong các kinh, vừa mê tín dị đoan, vừa gây ô nhiễm, phí phạm tiền bạc, nối kết với người thân đã quá vãng không đúng cách và không được lợi lạc gì….
Điều 3: Trong xu thế hội nhập toàn cầu cần truyền bá chánh đạo, tránh gây thương tổn với các tôn giáo khác.
Nguồn gốc xuất phát của tập tục đốt vàng mã là do người Trung Quốc tin rằng con người sau khi chết vẫn tiếp tục tồn tại dưới cõi âm và đây sẽ là cõi sống vĩnh hằng, còn trên dương gian chỉ là sống tạm trong thời gian mấy mươi năm. Vì cách nghĩ sai lầm như thế, nên con người đã sản xuất ra các loại vàng mã, người nộm vàng mã, nhà, xe và các vật dụng vàng mã,…
Nói về kích thước và tỉ lệ giấy tiền vàng mã là nhỏ hơn rất nhiều so với kích cỡ thật mà con người sử dụng. Nếu như các vật dụng vàng mã có thể sử dụng được thì tất cả mọi người từ nữ đến nam có chiều cao trung bình từ 1m50 đến 1m80 đều lập tức trở thành người tí hon khi sử dụng các vật vàng mã này, đây là điều không hợp lệ với quy luật tự nhiên. Về bản chất tiền bạc, nhà cửa, tài sản thật khi bị hỏa hoạn là mất trắng tay hoặc mất cả đời để gây dựng lại. Còn giấy vàng mã về bản chất khi chưa đốt cũng không ai sử dụng được, vì chất liệu của chúng toàn là giấy và sau khi đốt đi hoàn toàn trở thành tro bụi thì lại càng không sử dụng được. Theo triết ý đạo Phật, qua học thuyết 12 mắc xích của sự sống, sau khi tắt hơi thở thực sự tâm thức con người thoát ra khỏi cơ thể, cơ thể trở thành cát bụi, tâm thức tiếp tục đầu thai vào người mẹ hoặc giống cái, trung bình 10 tháng sau sẽ trở thành hình hài mới cho nên việc cúng kính người mất như hoa, đèn, trái cây… hoàn toàn người chết không thể tiêu thụ được.
Mặc dù thế, đạo Phật vẫn khuyến khích làm như vậy hằng năm để nhớ ơn đến cội nguồn, biết ơn đến tổ tiên vào các dịp lễ, giỗ,…
Sự ra đời của công văn 31 năm 2018 góp phần lành mạnh hóa các lễ hội văn hóa nói chung và trên 18 ngàn ngôi chùa nói riêng, không còn là nơi gián tiếp đồng tình cho việc nhiều người chưa biết về điều vô giá trị của việc đốt vàng mã. Quý thầy, quý sư cô là người hoằng dương chánh pháp thì hướng dẫn Phật tử và người đến chùa biết được ý nghĩa đốt vàng mã để cho họ hiểu biết, từ đó mới có làm đúng. Từ đó, công văn mới thực sự đi vào trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người dân.
Năm 2009, chính phủ ban hành nghị định 103/2009 đưa ra quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng và có thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định này là cấm đốt đồ mã nơi công cộng.
Tiếp đến là nghị định 158/2013 quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính từ 200.000đ đến 500.000đ đối với hành vi đốt vàng mã sai nơi quy định tại nơi tổ chức văn hóa lễ hội lịch sử. Và quy định 158/2013 chỉ tăng thêm yếu tố bổ sung là sẽ phạt tiền nếu đốt không đúng nơi quy định.
Trên thực tế nếu như không có người sản xuất thì sẽ không có người mua, và không có người mua thì sẽ không có người bán. Chúng ta nên xem xét lại từ gốc rễ phát sinh giấy tiền vàng mã, việc đốt giấy tiền vàng mã là hành động lãng phí tiền bạc, làm cho con người chìm sâu trong mê tín, sợ hãi.
Theo thống kê mỗi năm cả nước (hơn 90 triệu dân) đốt hơn 40.000 tấn vàng mã. Riêng tại miền Bắc, người dân bỏ ra số tiền từ 100 đến 400 tỉ đồng để mua vàng mã. Nếu như chúng ta không tiếp tục cho phong tục này nữa thì có thể tiết kiệm được số tiền nuôi được 40 triệu dân đang sống trong điều kiện nghèo và hoàn cảnh khó khăn.
Chúng ta nên quy đổi từ tình thương kính người quá cố bằng hành động từ bi theo Phật dạy là không mua giấy tiền vàng mã đốt ở các tư gia, các chùa, thay vào đó là làm các việc nghĩa, công việc mang tính nhân đạo và tình người sẽ có ý nghĩa nhiều hơn. Chưa kể về vấn đề môi trường bị ô nhiễm nặng nề bởi giấy tiền vàng mã gây ra, các loại khói bụi, khí độc như CO2 sẽ gây nghẹt thở dẫn đến việc sức khỏe bị ảnh hưởng, gây cháy nổ nguy hiểm đến tính mạng con người.
Tóm lại, để có thể giúp tình trạng đốt giấy tiền vàng mã không xảy ra, thì quý thầy, quý sư cô cùng nhau ra sức đề cao tinh thần trách nhiệm thực hành theo công văn 31 và thường xuyên tuyên truyền, phổ biến rộng rãi ý nghĩa của việc đốt giấy vàng mã cho Phật tử cũng như người đến chùa không biết về điều này để cho mọi người sẽ bỏ đi tập tục bị ảnh hưởng từ lâu đời.
Thích Tâm Khiết